Gen Z được sinh ra trong thời đại công nghệ và tri thức đều phát triển chóng mặt thậm chí được mệnh danh là “thế hệ không có lý do để thất bại”. Tuy nhiên, những lợi thế ấy đôi khi lại trở thành áp lực lớn. Trong tập cuối cùng của series “Tuổi nào cũng an yên”, hãy cùng lắng nghe chia sẻ của các bạn Gen Z về hành trình tìm kiếm sự cân bằng giữa cơ hội và nhu cầu bản thân.
Gen Z - Thế hệ của những áp lực?
Gen Z, những người sinh năm từ 1996-2012, thường được mô tả là một thế hệ thông thạo công nghệ, sáng tạo và độc lập. So với các thế hệ trước, Gen Z được coi là thế hệ dũng cảm nhất trong việc đối diện và ưu tiên chăm sóc sức khỏe tinh thần, sẵn sàng phá vỡ định kiến để định nghĩa lại cách sống hạnh phúc.
Tuy nhiên, Gen Z cũng là thế hệ dễ bị ảnh hưởng bởi kỳ vọng của những người xung quanh dẫn đến sự so sánh hay cảm giác thất vọng về bản thân. Bởi vậy, áp lực đồng trang lứa (peer pressure) được coi là “đặc sản” của thế hệ này.
Vũ Thị Mỹ Linh, Strategy Executive, Zalopay cho biết, việc tiếp cận quá nhiều thông tin từ các kênh khác nhau khiến cho Gen Z đôi lúc cảm thấy quá tải, dễ bị stress và lo âu khi không thể theo kịp hoặc cảm thấy bản thân bị bỏ lại phía sau.
“So với các thế hệ trước, Gen Z được lớn lên trong môi trường có đầy đủ điều kiện về vật chất, tinh thần. Do đó, sự kỳ vọng của gia đình, xã hội hay chính bản thân cũng trở nên cao hơn. Điều này dễ khiến Gen Z rơi vào vòng xoáy so sánh giữa bản thân với người khác, thậm chí là với những người chỉ nhìn thấy qua mạng xã hội”, Mỹ Linh chia sẻ.
Là một trong những người cùng thế hệ Z, Phan Trâm Anh, Associate Legal Executive thừa nhận bản thân đôi lúc không thể tránh khỏi những cảm xúc như căng thẳng, lo lắng trong công việc cũng như cuộc sống. “ Đôi lúc, mình sợ không hoàn thành tốt công việc, không thể thành công trong tương lai hay đơn giản là không thể phát triển tối đa mọi khía cạnh của bản thân”.
.png)
Bên cạnh đó, Gen Z đang phải đối mặt với những áp lực “không tên” từ chính thế hệ đi trước, khi phải đáp ứng những kỳ vọng về sự ổn định, thành công và định hình trong tương lai. Gia đình hay xã hội đều muốn thế hệ Z phải toàn năng hơn, làm được nhiều việc hay sở hữu nhiều kỹ năng cùng lúc, điều mà các thế hệ trước vốn không bị đòi hỏi.
Nhận định về vấn đề này, Nguyễn Võ Hồng Thắng, Senior Software Engineer, Zalo cho biết, mỗi thế hệ đều lớn lên trong bối cảnh xã hội khác nhau, do đó cách họ nhìn nhận vấn đề cũng khác biệt. “Với mình, áp lực từ chính thế hệ đi trước lại là cơ hội để học hỏi từ những người đi trước, đã có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống. Mình luôn cố gắng lắng nghe, hiểu quan điểm của các thế hệ khác và giải thích góc nhìn của mình một cách nhẹ nhàng, không phán xét. Thay vì so sánh và áp đặt giữa các thế hệ, mình nghĩ cần sự thấu hiểu và học hỏi lẫn nhau”.
Nguyễn Thành Đạt, Marketing Specialist, Zalo Cloud bày tỏ: “Mỗi thế hệ đều có những đặc điểm riêng về điều kiện môi trường sống, thừa hưởng những nền tảng giáo dục riêng biệt và đối mặt với những thách thức khác nhau. Ở mỗi thế hệ đều có những cách nhìn nhận và đánh giá vấn đề khác nhau, đơn giản hay phức tạp tùy thuộc vào quan điểm của mỗi cá nhân. Do đó, việc tôn trọng sự khác biệt về suy nghĩ, quan điểm sống và các giá trị mà từng thế hệ theo đuổi sẽ giúp chúng ta giảm bớt đi phần nào áp lực”.
.png)
‘Ưu tiên sự thấu hiểu và khẳng định giá trị bản thân’
Chia sẻ về tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần, Thành Đạt cho rằng, Gen Z nên tập trung nhiều hơn về việc tăng cường trải nghiệm sống để nâng cao giá trị của bản thân. “Thấu hiểu bản thân giúp mình tìm ra mục tiêu sống và làm việc, thay vì bị ảnh hưởng hay chạy theo ước mơ của người khác. Cá nhân mình luôn đề cao tính trải nghiệm, không ngại đúng sai, vì đây là cách tốt nhất để hiểu bản thân sâu sắc hơn”.
Với triết lý “không ổn cũng không sao”, Gen Z đang có những cách tiếp cận khác nhau để vượt qua những khó khăn, áp lực trên hành trình nuôi dưỡng sức khỏe tinh thần. Với họ, việc không ổn là điều bình thường và không cần phải che giấu cảm xúc của mình. Thay vì im lặng, Gen Z thường chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người xung quanh, kết nối bằng những cuộc trò chuyện cởi mở để được lắng nghe và thấu hiểu nhiều hơn.
Đồng thời, Gen Z cũng là thế hệ sẵn sàng thử nghiệm các phương pháp tự chăm sóc sức khỏe thể chất để giảm bớt căng thẳng và giữ cho tinh thần luôn vững vàng. “Mỗi khi gặp phải vấn đề về tâm lý, mình thường cố gắng giữ cho bản thân sự tích cực để có thể giải quyết mọi việc. Xem phim, tập luyện thể thao hay ăn uống điều độ là cách mình giúp “chữa lành” bản thân trước những suy nghĩ tiêu cực hay áp lực gặp phải”, Trâm Anh chia sẻ.
Hay đối với Hồng Thắng, sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống chính là yếu tố cốt lõi giúp bản thân duy trì một lối sống lành mạnh, sự tích cực để vượt qua những áp lực và thử thách. “Mình luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc theo đúng kế hoạch đề ra, song song đó, mình sẽ dành thời gian thư giãn bằng việc tham gia các hoạt động thể thao yêu thích như: 3 môn phối hợp (bơi, đạp xe, chạy bộ), tập gym hay đơn giản là các buổi gặp gỡ bạn bè. Với mình, việc chia sẻ với những người xung quanh cũng là cách để mình giải tỏa căng thẳng, đồng thời có thêm nhiều kinh nghiệm sống cho bản thân. Quan trọng hơn, mình tin rằng sự chia sẻ và kết nối với gia đình, bạn bè, hoặc chuyên gia tâm lý sẽ giúp chúng ta nuôi dưỡng tinh thần tích cực hơn”.
Là một Gen Z trong làm việc trong lĩnh vực Tech, đối diện với nhiều thách thức cùng sự biến đổi không ngừng của công nghệ, Hồng Thắng hiểu rằng, việc giải quyết các vấn đề về sức khỏe tinh thần chính là một phần quan trọng của hành trình phát triển bản thân.
“Mình thường tìm đến các liệu pháp tâm lý hoặc các phương pháp thư giãn như nghe nhạc, chạy bộ hay xem phim. Theo mình, cách để thấu hiểu tâm hồn và chăm sóc sức khỏe tinh thần bắt đầu từ việc học cách chấp nhận cảm xúc và tập không so sánh với người khác. Chúng ta cần dành thời gian để hiểu điều gì khiến mình hạnh phúc, từ đó tìm kiếm cho mình các phương pháp phù hợp.”.
Đồng quan điểm, Mỹ Linh cho rằng, việc chăm sóc sức khỏe tinh thần có vai trò quan trọng giúp cân bằng cảm xúc, phát triển tư duy tích cực và sẵn sàng đối diện áp lực. Với Gen Z, sức khỏe tinh thần chính là nền tảng để sống hạnh phúc và bền vững hơn. “Chúng ta nên dành thời gian để quan sát cảm xúc, suy nghĩ và phản ứng của mình trong các tình huống hàng ngày. Điều này giúp chúng ta có thể dễ dàng nhận ra nguyên nhân gốc rễ của những căng thẳng hoặc bất ổn.
Bắt đầu với vị trí thực tập sinh tại bộ phận Nhân sự của VNG và hiện tại là trợ lý CFO tại Zalopay, Mỹ Linh đã có những trải nghiệm quý giá trong từng công việc đã đảm nhận. Linh nhận ra rằng, việc cân bằng thời gian cho công việc và bản thân chính là chìa khóa giúp cô vượt qua những giai đoạn khó khăn và tìm thấy sự tự tin trong công việc.
“Mình luôn quan niệm thời gian là hữu hạn, nên khi còn trẻ, mình muốn được tận hưởng và trải nghiệm nhiều nhất có thể. Dành thời gian cho những điều khiến mình vui vẻ không chỉ giúp mình ‘chữa lành’ mà còn tiếp thêm nguồn năng lượng để đối diện với những thử thách trong cuộc sống”.
Có thể nói, trước những cơ hội cùng thách thức của thời đại, Gen Z đang chọn cho mình những hướng đi riêng trên hành trình khẳng định bản thân. Thay vì né tránh áp lực, họ học cách thấu hiểu, thích nghi và biến những áp lực trở thành động lực để hoàn thiện và phát triển. Sự chú trọng vào sức khỏe tinh thần, ưu tiên sống trải nghiệm đã giúp thế hệ này vượt qua những khó khăn và không ngừng vươn lên, tạo nền tảng vững chắc cho những thành công trong tương lai.
Trong tháng 11/2024, VNG khởi động chiến dịch “Inner U” với thông điệp Embrace the Inner U (Tôn trọng cảm xúc thật), nhằm giúp nhân viên tìm lại sự cân bằng trong công việc và đời sống cá nhân, từ đó xây dựng môi trường sống và làm việc tích cực, lành mạnh. Chiến dịch Inner U ra đời với mục tiêu tăng cường nhận thức về tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần, định hướng cho Starter tư duy tích cực cũng như thay đổi, loại bỏ những thói quen có thể gây tổn hại đến cảm xúc cá nhân. |