Internet là sự nghiệp của đời tôi!

Nhìn lại khoảng thời gian phát triển, ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần VNG thì nghĩ rằng khi Internet vào Việt Nam, đó là một cơ hội lớn và xem đó là sự nghiệp của đời ông.

Ông Hồng Minh kể: “Năm 1997, khi Internet chính thức có mặt thì thế hệ của Minh đang khoảng 18 - 20 tuổi. Sau khi Minh và bạn bè tốt nghiệp Đại học, Internet tại Việt Nam đã bắt đầu có được một lượng người dùng nhất định. Mọi người mới nói với nhau rằng đây chính là cơ hội. Thế hệ Minh lớn lên cùng với Internet, đam mê nó, lại thấy được cơ hội lớn thì không có lý do gì mà không xem đó là sự nghiệp của mình cả”.

Khi được hỏi về những khó khăn cho giai đoạn đầu thời kỳ Internet vào Việt Nam, ông Minh chia sẻ, khó thì phải nói là lúc nào cũng khó. “Thời điểm ban đầu, mình không có gì cả, không có nguồn lực, không có kinh nghiệm còn cái khó của bây giờ là thị trường thay đổi rất nhanh, bạn phải bỏ thành công cũ của mình đi để mà học những cái mới, tham gia vào thị trường mới. Nói ngắn gọn thì mỗi một giai đoạn đều có cái khó khác nhau.

"Thách thức lớn nhất của Internet nói riêng và công nghệ nói chung là sự thay đổi rất nhanh chóng. Với những người làm việc trong ngành Internet này thì đều phải sẵn sàng chấp nhận thực tế là công việc sẽ luôn luôn khó, thậm chí càng ngày càng khó hơn. Đặc thù này của Internet rất khác một số ngành, lĩnh vực khác”, ông Minh nhấn mạnh.

Một điểm nữa mà ông Minh cho là khó đó là suy nghĩ của mọi người. Hiện tại, từ người dùng, doanh nghiệp cho đến nhiều cơ quan quản lý vẫn nghĩ Internet là một ngành độc lập, không liên quan gì đến mình, chỉ những doanh nghiệp nào kinh doanh dịch vụ Internet mới cần phải quan tâm.

Nhưng xu thế của toàn thế giới hiện nay là Internet nói riêng, công nghệ nói chung đã trở thành cuộc sống rồi. Ông Minh lấy ví dụ, gần đây có câu chuyện nóng giữa taxi truyền thống với Uber/Grab. Nói nôm na thì trước đây, không ai nghĩ taxi thì sẽ liên quan gì đến Internet, nhưng rõ ràng là 3 năm qua, các hãng taxi Việt Nam đã bị Grab, Uber cạnh tranh rất mạnh, mất thị phần, thậm chí có hãng đối mặt nguy cơ phá sản.

Đó sẽ không phải là câu chuyện duy nhất mà còn có thể lặp lại ở rất nhiều ngành khác nữa. "Đó là cái thách thức lớn nhất mà những người ở trong thời đại Công nghệ này sẽ phải hướng tới. Bây giờ bạn đang là tài xế taxi, bạn đang là một nhân viên văn phòng. Mười năm nữa, Công nghệ thay đổi hết, bạn mất việc, bạn thất nghiệp, bản thân mỗi cá nhân sẽ đối mặt với chuyện đó”, ông Minh nhìn nhận.

Chia sẻ thêm, ông Minh nói, sứ mệnh của VNG là dùng Internet để thay đổi cuộc sống của người Việt Nam. Sau hơn 10 năm theo đuổi sứ mệnh đó, bây giờ thì mỗi ngày có hàng chục triệu người Việt Nam sử dụng Zalo để nhắn tin, trao đổi thông tin với nhau, nghe nhạc trên Zing Mp3, đọc Zing News, chơi game di động… Sắp tới, VNG có rất nhiều kế hoạch để đầu tư rộng ra các ngành khác cũng như đầu tư rộng ra các thị trường khác. Nhưng Minh nghĩ điều cơ bản là VNG vẫn là nơi của những người Việt Nam làm về Công nghệ, làm về Internet, rất là tâm huyết và sẽ vẫn sẵn sàng đi tiếp chặng đường này nhiều năm nữa.

Theo Dân Trí